Nguyên liệu chính của bánh hồng là bột xay từ nếp. Nếp phải lựa loại nếp ngự mới, độ dẻo cao đem rửa sạch, vò kỹ, ngâm qua đêm để nếp ngấm đủ nước rồi xay thành bột nước. Bột được ép ráo, nhồi thật dẻo và vón thành cục nhỏ, luộc chín. Trong quá trình luộc bột phải canh lửa để bột đủ độ chín tới, không bị "ngoài chín, trong sống" hoặc quá chín thì bánh sẽ mất ngon.
Khi bột gần chín, cũng là lúc phải làm khâu tiếp theo là thắng đường cho nóng chảy. Để kiểm tra xem đường đã chín hay chưa, người thợ làm bánh thường nhúng đôi đũa vào chảo đường nóng, nhấc đũa lên và kéo rời hai chiếc đũa ra, nếu sợi đường không đứt thì chảo đường coi như đã đạt yêu cầu.
Bột đã chín, đường cũng đã chín, người làm bánh nhanh tay vớt bột cho vào chảo đường, dừa được bào thành sợi cũng cho vào luôn, sau đó khuấy nhanh, đều để bột và đường tan vào nhau. Sau khi bột đã tan đều, hạ lửa riu riu và vẫn phải khuấy đều để bột không bị quyện. Khi dùng tay sờ vào bột mà không bị dính tay, bánh tỏa mùi thơm thì lúc đó bánh đã chín. Vớt bánh trong chảo ra, cho vào khuôn đã được rải sẵn bột nếp khô, dùng đũa dần bánh dày khoảng 3 - 4 cm rồi rải thêm một lớp mỏng bột nếp khô lên bề mặt, đợi bánh nguội là có thể dùng được.
Khi ăn, dùng dao bén xắt bánh hồng thành từng miếng hình thoi, sắp ra đĩa, nhâm nhi cùng ly trà nóng. Vị ngọt thanh tao của đường, cái dẻo của bột nếp, vị béo giòn của dừa tạo nên một hương vị đặc biệt. Những đôi uyên ương chọn bánh hồng để gửi gắm ước mơ về mối tơ duyên keo sơn như sự kết dính bền chặt của bánh hồng.
Bánh hồng thường có màu trắng đục của nếp và đường. Người ta cho thêm màu thực phẩm để bánh hồng hoặc xanh. Loại bánh này chỉ bảo quản được khoảng 5 ngày nên không được bán rộng rãi, vì thế bánh hồng vẫn chưa được nhiều người biết đến. Khi đi ngang xứ Nẫu, đặc biệt là Tam Quan, hãy nhớ dừng lại thưởng thức vị ngọt ngon của bánh hồng.
Duy
No comments:
Post a Comment